PDA

View Full Version : Tầm quan trọng của công nghệ thông tin Y tế


trevorquach
12-06-2012, 08:56 AM
ở Việt Nam, việc phát triển tin học y tế nên tập trung vào vấn đề bệnh tật và sức khỏe trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đó là việc lưu trữ bệnh án bệnh nhân, đăng ký bệnh, phát triển nghiệp vụ và trợ giúp quyết định chăm sóc ban đầu, đồng thời xây dựng y tế từ xa nhằm giúp đỡ việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các vùng sâu, vùng xa.

i. Tình hình phát triển công nghệ thông tin y tế trên thế giới và ở việt nam
Việc ứng dụng của công nghệ thông tin trong việc phục vụ chăm sóc sức khỏe là khuynh hướng toàn cầu trong thế kỷ 21. Nhờ có sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, tin học y tế đã đạt được nhiều thành quả như việc ứng dụng các hệ thông tin bệnh viện, các hệ trợ giúp làm quyết định lâm sàng, y học từ xa (telemedicine), thực tế ảo và xa lộ thông tin sức khỏe... do đó việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày càng được tốt hơn. ở nhiều nước trên thế giới, chính phủ đã xây dựng chương trình quốc gia về công nghệ thông tin y tế nhằm tin học hóa ngành y tế. Nhiều chương trình nghiên cứu và ứng dụng được triển khai tại các bệnh viện và các cơ sở y tế, như việc xây dựng các hệ thông tin bệnh viện bao gồm các hệ truyền tin, mệnh lệnh, hệ thông tin chăm sóc cho y tá, bệnh án, dược khoa, tia X, trợ giúp làm quyết định (giúp tạo đơn thuốc, lựa chọn thuốc kháng sinh, theo dõi liều thuốc, cảnh báo lâm sàng, dị ứng, chế độ ăn uống...) phục vụ lâm sàng. Còn trong quản lý hành chính, đã triển khai hệ quản lý hành chính bệnh nhân, quản lý nhân sự, tài sản, ngân sách bệnh viện, phân tích nguồn thu và chi của bệnh viện, kiểm tra việc sử dụng thiết bị y tế, truy cập sách thư viện bệnh viện cũng như tạo trang web bệnh viện trên mạng. Ngoài ra, còn xây dựng các hệ truyền tin lưu trữ ảnh PACS và y học từ xa giữa các bệnh viện, xây dựng các trạm chăm sóc dùng truyền thông không dây cho các bác sĩ và những người phục vụ y tế. Đối với nhiều quốc gia, việc đào tạo là quốc sách, do đó việc nghiên cứu xây dựng các hệ dạy học y học thông minh là cần thiết, giúp cho việc đào tạo/học và tự học từ xa nhằm nâng cao trình độ cho các bác sĩ và những người làm công tác y tế ở khắp mọi miền đất nước. ở Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia phát triển, chính phủ chú trọng xây dựng mạng chăm sóc sức khỏe ở nhà phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe người có tuổi.

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin Bộ Y tế, ngành y tế bước đầu đã xây dựng các mạng diện rộng, mạng toàn quốc và mạng khu vực theo hệ thống chuyên ngành cùng các mạng nội bộ của các cơ sở y tế như bệnh viện, trường học... Một số bệnh viện, đơn vị trong ngành y tế đã mua, sử dụng và đã xây dựng các phần mềm chuyên dụng phục vụ cho công tác của mình. Ngoài ra, Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện và Viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đã nghiên cứu triển khai thử nghiệm mạng y tế từ xa. Một số viện nghiên cứu như Viện Công nghệ Thông tin, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia và một số cơ sở nghiên cứu tại các trường đại học ở Việt Nam cũng đã triển khai các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực tin học y tế như các hệ thông tin bệnh viện, các hệ thông minh y học, chẩn đoán hàn-nhiệt, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc... Một số kết quả nghiên cứu và triển khai ứng dụng đã được báo cáo tại các hội nghị tin học y tế quốc tế ở Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Công, Việt Nam... Tuy nhiên, việc nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo tin học y tế trong những năm qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày càng tăng của công nghệ thông tin y tế ở Việt Nam do chưa có một Trung tâm/viện nghiên cứu chuyên ngành tin học y tế có đủ năng lực chuyên môn giúp Bộ Y tế, Ban chỉ đạo công nghệ thông tin tập hợp các đội ngũ tin học y tế ở các cơ sở y tế trong cả nước, đẩy mạnh việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng và đạo tạo tin học y tế cho toàn ngành y tế góp phần cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn.

ii. Một số lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin Y tế ở Việt nam

Để phát triển tin học trong y tế ở Việt Nam cũng như để hòa nhập với quốc tế chúng ta cần từng bước phát triển các hệ thông tin y tế theo thứ tự ưu tiên sau:

1. Các hệ thông tin bệnh viện - là hạ tầng cơ sở để chia sẻ thông tin sức khỏe quốc gia tương lai và hòa mạng.

2. Các hệ thông tin sức khỏe công cộng - dùng cho y tế dự phòng và báo cáo dữ liệu dịch tễ.

3. Các hệ thông tin lâm sàng - trợ giúp bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị.

4. Các hệ thông tin y học cổ truyền dân tộc - lưu trữ các thông tin về cây thuốc, bài thuốc.

5. Các hệ thông tin răng hàm mặt - trợ giúp việc quản lý dữ liệu, thông tin bệnh nhân răng hàm mặt.

6. Các hệ thông tin dược học - dùng cho việc viết đơn và phân phối thuốc.

7. Các hệ thống kê sức khỏe và sinh học - thu thập, lưu trữ các số liệu thống kê về hoạt động sức khỏe và sinh học.

8. Mạng thông tin sức khỏe quốc gia- truyền các thông tin sức khỏe ngành y tế.

9. Mạng quản lý ảnh và sức khỏe từ xa - lưu trữ ảnh y học và dùng cho việc chẩn đoán, phân tích ảnh bằng máy tính.

10. Cùng với việc triển khai các công việc trên, phải tiến hành đồng thời việc nghiên cứu cần thiết và đào tạo cán bộ công nghệ thông tin ở các cơ sở nhằm đảm bảo việc triển khai có kết quả các ứng dụng công nghệ thông tin.

Việc lưu trữ điện tử là cốt lõi của việc toàn cầu hóa y tế trong thế kỷ 21. Ngoài ra, những vấn đề kèm theo là việc tiêu chuẩn hóa tin học y tế quốc tế, từ vựng thuật ngữ y học (ví dụ: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận trong y học cổ truyền phương Đông được hiểu thế nào theo y học hiện đại), an toàn dữ liệu, điện tử, viễn thông, thư tín, thu các tín hiệu sinh học...

Việt Nam là một nước đang phát triển, do đó phát triển tin học y tế nên tập trung vào vấn đề bệnh tật và sức khỏe trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đó là việc lưu trữ bệnh án bệnh nhân chăm sóc ban đầu, đăng ký bệnh, phát triển nghiệp vụ và trợ giúp quyết định chăm sóc ban đầu, đồng thời xây dựng y tế từ xa nhằm giúp đỡ việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các vùng sâu, vùng xa.

iii. Một số đề xuất về phát triển CNTT Y tế Việt nam

Qua phân tích ở trên cho thấy cần sớm thành lập phòng thí nghiệm trọng điểm về CNTT y tế hoặc Trung tâm CNTT y tế trực thuộc Bộ Y tế - là đơn vị đầu ngành trong nghiên cứu, triển khai ứng dụng và đào tạo tin học y tế ở Việt nam. Cơ sở nghiên cứu này tập hợp các cán bộ vừa được đào tạo và có năng lực về tin học, vừa có hiểu biết nhất định về y học (hoặc vừa được đào tạo về y học và có khả năng triển khai ứng dụng tin học) bao gồm các nhóm chuyên môn tin học y tế chính sau:

1. Nhóm nghiên cứu : gồm các cán bộ được đào tạo cơ bản về tin học và hiểu biết về y học, có khả năng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp toán học, tin học cho vấn đề ứng dụng cần giải quyết.

2. Nhóm triển khai ứng dụng: có kỹ năng lập trình tốt. Hiện nay, để xây dựng các hệ cơ sở dữ liệu y tế các hệ thông minh và các ứng dụng trên mạng, cần biết ba ngôn ngữ lập trình có hiệu quả và thường dùng: Visual Basic, Visual C++ và JAVA dùng cho lập trình mạng.

3. Nhóm đào tạo: có khả năng đảm nhiệm việc đào tạo chương trình tin học y tế theo tiêu chuẩn quốc tế cho các cán bộ ở các cơ sở y tế và sinh viên ở các trường đại học y.

Để hoàn thành các công việc đặt ra, chúng ta cần phát huy nội lực, tập hợp sức mạnh của các đội ngũ tin học y tế trong cả nước, trên cơ sở đó, đồng thời tranh thủ sự hợp tác bình đẳng với các nước trong khu vực và thế giới trong cả ba lĩnh vực: nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo CNTT y tế.

Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Hoàng Phương
(tạp chí thông tin y học 8/2001)