PDA

View Full Version : Học trò nghiên cứu về bạo lực học đường


tuteo
10-03-2013, 03:42 PM
Ba học sinh lớp 11 đã quyết định chọn chọn vấn đề “Bạo lực học đường” làm đề tài nghiên cứu tham dự cuộc thi Intel ISEF cấp thành phố Hà Nội năm 2013. Thật bất ngờ khi đề tài đã giành giải Nhất ở lĩnh vực Khoa học và xã hội hành vi.
>> Hà Nội: Cuộc thi khoa học, kỹ thuật thu hút nhiều HS tham gia (http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ha-noi-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-thu-hut-nhieu-hs-tham-gia-699826.htm)

Nhóm 3 học sinh (HS) này cùng học Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) gồm em Nguyễn Ngọc Anh (trưởng nhóm, học lớp 11A13); Vũ Thảo Vân (lớp 11A6) và Ngô Đức Minh (lớp 11A1).

Là thành viên ban giám khảo cuộc thi, TS Nguyễn Tùng Lâm nhận xét: "Ở đề tài nghiên cứu này, các em HS đã đưa ra giải pháp do chính các em thực hiện. Tôi đánh giá cao về ý tưởng này. Bên cạnh đó, các em còn mong muốn hình thành Luật chống bạo lực học đường - đây là vấn đề ít người nghĩ đến khi mà hiện nay chúng ta chỉ mới chỉ dừng lại là kiểm điểm, đình chỉ học tập học sinh".

http://dantri4.vcmedia.vn/HbxTheXQ02TdWUD081Fn/Image/2013/03/anh4_06032013-43f31.jpg
Học sinh có cách nhìn nhận "bạo lực học đường" khác so với người lớn.


Mặc dù đang rất bận rộn với việc học tập và hoàn thành đề tài nghiên cứu tham dự cuộc thi ISEF toàn quốc vào cuối tháng 3 này, nhưng nhóm cũng đã dành thời gian để trò chuyện thêm với PV Dân trí xung quanh vấn đề “bạo lực học đường”.



Trước hết chúc mừng các em đã đạt giải Nhất lĩnh vực Khoa học và xã hội hành vi cuộc thi Intel ISEF cấp thành phố vừa qua. Nhóm có thể cho biết, xuất phát từ đâu các em quyết định chọn vấn đề bạo lực học đường làm đề tài nghiên cứu để tham dự cuộc thi Intel ISEF? Mục đích của đề tài này là gì?





Vũ Thảo Vân: Giáo dục công dân (GDCD) là môn học bổ ích và lý thú. Có thể khẳng định rằng, môn học này có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách HS. Đặc biệt, những kiến thức của môn GDCD giúp HS củng cố được những kĩ năng sống, tự hoàn thiện mình để trở thành một người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, môn GDCD chưa được phát huy tối đa tính cấp thiết của nó. Chương trình dạy học hiện nay chưa đáp ứng được mục tiêu: “ Học đi đôi với hành” cho môn học mang tính chất thực tiễn này.


Mặt khác, thực trạng bạo lực học đường trở thành một vấn đề nóng bỏng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Do vậy đề tài “Bạo lực học đường” sẽ mang đến một cái nhìn cụ thể hóa về tình trạng bạo lực của giới trẻ, đại bộ phận là các bạn HS. Chúng em đã tiến hành sưu tầm các tài liệu liên quan và thực hiện nghiên cứu đề tài thông qua các kiến thức đã học và được trau dồi trên lớp. Để từ đó, chúng em - những HS đang ngồi trên ghế nhà trường có thể tìm ra những giải pháp và đề xuất mới mẻ, góp phần ngăn chặn nạn bạo lực mà cả xã hội đang lên án.


http://dantri4.vcmedia.vn/vtfPRccccccccccccodZ/Image/2013/03/bl-53c3e.jpg
Nhóm học sinh đoạt giải chụp ảnh cùng cô giáo hướng dẫn.
Với tư cách là một HS, nhóm nhìn nhận vấn đề bạo lực học đường như thế nào? Nguyên nhân là do đâu? Ở trường học các em mong muốn điều gì?





Nguyễn Ngọc Anh: Bạo lực học đường đã và đang trở thành nỗi nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới truyền thống văn hóa, kỷ cương xã hội và đặc biệt gây hoang mang, tạo sự bất ổn trong môi trường học đường - nơi nuôi dưỡng những chủ nhân tương lai của đất nước. Theo chúng em, bạo lực học đường bên cạnh những nguyên nhân khách quan còn có những nguyên nhân chủ quan khác, xuất phát từ 4 yếu tố chính: tâm lí HS, gia đình, nhà trường và xã hội.


Để tiến tới ngăn chặn vấn nạn này,về phía nhà trường, chúng em mong muốn rằng trường học không chỉ là môi trường để chúng em tiếp thu kiến thức mà còn là nơi để chúng em thể hiện cá tính, mở rộng mối quan hệ giao lưu và thể hiện những nét văn hóa vẻ đẹp trong sáng hồn nhiên của tuổi học trò: một trường học thân thiện thực sự.





Hiện nay bài toán giải quyết vấn đề bạo lực học đường đã được nhiều nhà giáo dục đề cập đến. Tuy nhiên để chọn ra một giải pháp khả thi là rất khó. Nhóm có sáng kiến gì để giải quyết vấn đề này? Cơ sở khoa học để giải pháp có thể được triển khai?





Ngô Đức Minh: Xuất phát từ nguyên nhân gây ra bạo lực học đường nêu trên. theo chúng em để ngăn chặn vấn đề này cần có sự chung tay góp sức phối hợp từ phía gia đình, nhà trường, xã hội và bản thân các bạn HS. Từ môi trường gia đình đầm ấm, mái trường thân thiện, xã hội lành mạnh và bản thân các bạn HS phải biết cách giao tiếp, ứng xử, giải quyết mâu thuẫn...


Giải pháp thì rất nhiều nhưng chúng em xin đưa ra những đề xuất là những bước đi cần được ưu tiên hàng đầu và nó cũng là phần quan trọng nhất-thể hiện tính mới mẻ của đề tài chúng em khi đến với cuộc thi năm nay. Thứ nhất, cần xây dựng văn phòng tư vấn tâm lí trong mỗi nhà trường. Thứ hai là một góc truyền thông về bạo lực học đường trong trường học. Thứ ba, mở một tổng đài tư vấn chuyên biệt về bạo lực học đường. Thứ tư là tăng cường an toàn trường học như dạy tự vệ, đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp. Và cuối cùng quan trọng nhất của bọn em thể hiện tính mới mẻ của đề tài chính là một Bộ luật học đường hướng tới lứa tuổi vị thành niên với những khung hình phạt khác nhau.


Và điều quan trọng nhất trong các giải pháp là làm sao để bản thân học sinh ý thức được hành vi, trách nhiệm của mình và hơn hơn hết có sự chủ động, tự giác rèn luyện hiểu được giá trị làm người.


Việc nghiên cứu khoa học ở trường sẽ làm cho các em mất khá nhiều thời gian. Vậy nhóm bố trí như thế nào để vừa có thể học tốt nhưng vẫn có thể nghiên cứu khoa học?





Nguyễn Ngọc Anh: Vì bản thân mỗi môn học cung cấp tri thức kĩ năng để chúng nghiên cứu đề tài như toán giúp cho sự logic trong mạch lập luận hay văn trong diễn đạt nên chúng em luôn cố gắng bố trí thời gian hợp lí, vận dụng kiến thức như một cách học để không những không ảnh hưởng đến kết quả trên lớp mà còn hỗ trợ được cho đề tài.


Để các bạn học sinh ngày càng quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học hơn thì theo nhóm, ngành giáo dục cần có những động thái gì?

Ngô Đức Minh: Có thể tuyên truyền về nội dung quy mô hình thức của cuộc thi khoa học như Intel trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống poster quảng cáo ở các trường, các chính sách khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó cần có sự đầu tư hợp lí thiết thực cho cả giáo viên và học trò trong quá trình nghiên cứ đề tài thời gian, tiền bạc. Do vậy việc chưa có chính sách để hỗ trợ chi phí nghiên cứu khoa học có phải là rào cản lớn bởi vì trên thực tế chúng em đang là HS cho nên chưa tự chủ về mặt tài chính, hơn nữa bản chất của những người làm khoa học, yêu khoa học trong đó có chúng em, rất đề cao tính tự trọng đặc biệt là tự trọng về tiền bạc. Vì vậy trong quá trình làm nếu không có sự hỗ trợ này chúng em gặp nhiều khó khăn.


Trong quá trình tìm người hướng dẫn là các GS, TS thì nhóm có gặp khó khăn gì hay không? Các em mong muốn điều gì từ các nhà khoa học trong việc phối hợp để tạo điều kiện cho HS nghiên cứu?





Vũ Thảo Vân: Thực tế như anh thấy đề tài của chúng em chỉ có một cô giáo dạy bộ môn GDCD là người hướng dẫn nhưng nhóm chúng em lại cảm thấy hài lòng về điều đó vì cô đã hướng dẫn chúng em bằng sự tâm huyết bằng sự trăn trở với nghề với thực trạng bạo lực học đường và bằng cả những trải nghiệm trong nghề dạy học của cô nữa. Bởi vậy giữa chúng em và cô có sự phối hợp đồng thuận cao. Chúng em muốn góp một tiếng nói, một góc nhìn của những người trong cuộc.


Tuy nhiên chúng em vẫn rất cần và luôn cần sự đồng hành của những nhà khoa học trong suốt quá trình làm đề tài để cô trò chúng em được hoàn thiện hơn những nội dung cũng như hình thức đề tài.


Cảm ơn các em. Chúc nhóm tiếp tục hoàn thành đề tài và đạt kết quả cao ở cuộc thi toàn quốc sắp tới.





S.H (ghi)