Chủ nhân của những ý tưởng kinh doanh điên rồ
Họ đều là dân 8X và bị coi là điên rồ khi khởi nghiệp bằng những ý tưởng chẳng giống ai. Sau một năm, có người thành công và trưởng thành hơn, song cũng có người phải chuyển hướng.
Giữa năm 2008 khi Zimbabwe công bố lạm phát lên tới con số vài triệu phần trăm và phát hành đồng tiền 100.000 tỷ đôla, cậu sinh viên sinh năm 1983 - Hoàng Minh Huy đã nảy ra ý định buôn tiền. Nghĩ là làm, thông qua bạn bè và một số người quen đang học tập, làm việc tại châu Phi, Huy nhờ họ mua một số tờ tiền của Zimbabwe về VN và rao bán trên mạng.
Tờ tiền mệnh giá 100 tỷ đầu tiên có mặt tại Hà Nội vào cuối tháng 12/2008 và được bán ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2009. Rồi cứ thế, lượng tiền được bán tăng lên 2 tờ, rồi 3, 3 tờ rồi 5 tờ được khách hàng đặt mua trong một ngày. Lãi thu về gấp đôi so với số tiền Huy bỏ ra để mua những tờ tiền này.
Ước mơ lớn nhất của gã buôn tiền 8X này là trở thành ông chủ quán cafe.
Một năm qua, Huy vẫn tiếp tục nghề buôn tiền với thu nhập mỗi tháng lên tới 20 triệu đồng. Bên cạnh những tờ tiền lạ, độc, Huy còn kinh doanh cả những đồng đôla mạ vàng, kim loại để bán cho những người có nhu cầu giữ làm kỷ niệm. Nhờ ý tưởng điên rồ ban đầu, Huy đã có đủ tiền để mở một quán cafe cho riêng mình. "Ước mơ lớn nhất của em là làm chủ quán cafe và giờ đã thành hiện thực", Huy nói.
Theo Huy việc mở quán không đơn thuần là chuyện làm ăn mà đây sẽ là nơi mà bạn bè của Huy có thể gặp gỡ trao đổi các ý tưởng kinh doanh. Và, điều căn bản, nơi này sẽ là địa điểm tốt nhất để Huy thực hiện các giao dịch bán buôn các loại tiền lưu niệm.
Cuối tháng 3 năm 2009, cộng đồng mạng cũng lên cơn sốt khi nhóm 6 cô cậu sinh viên thuộc thế hệ 8X Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội khai trương dịch vụ "Bảo hiểm tình yêu". Dịch vụ này không bồi thường rủi ro cho các thành viên tham gia mà chỉ là nơi tiếp nhận tình cảm và nâng niu giá trị cảm xúc cho các cặp tình nhân. Phí cho dịch vụ vào khoảng 600.000-1,2 triệu đồng.
Thế nhưng, khoảng một năm sau đó, những thành viên sáng lập đã quyết định dừng triển khai dịch vụ dù vẫn còn nhiều hợp đồng. Nguyễn Văn Cường - Phó giám đốc công ty kinh doanh dịch vụ này cho hay: "Dịch vụ nhắm vào khách hàng ở Hà Nội, nhưng trong một năm triển khai có tới trên 70% hợp đồng lại đến từ TP HCM. Nhân lực mỏng, không có văn phòng đại diện nên chúng em đành chịu".
Theo Cường, với một hợp đồng trị giá 1,2 triệu, nếu cử người bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để triển khai, chi phí khá tốn kém và không có lợi nhuận. "Bọn em ngừng cung cấp dịch vụ để sốc lại tình hình, thời điểm thuận lợi và điều kiện cho phép, sẽ khởi động lại", Cường nói.
Đoàn Minh Tuấn - Chủ nhân ý tưởng "365 ngày yêu thương".
Cùng thời điểm đầu năm 2009, cậu sinh viên năm cuối của trường Đại học dân lập Hải Phòng, Đoàn Minh Tuấn ấp ủ ước mơ thực hiện dự án “365 ngày yêu thương” với dịch vụ "Lập trình yêu thương". Mục đích của Tuấn là giúp mọi người có thể bày tỏ tình cảm với người thân, bạn bè vượt qua được rào cản tâm lý để thể hiện sự yêu thương chân thành.
Thế nhưng, ý tưởng ra đời chưa lâu, Tuấn đã phát hiện một vài công ty nhanh chân hơn triển khai trước với dịch vụ tương tự. Thế là, Tuấn đành ngậm ngùi gác ước mơ sang một bên để chuyển hướng lập nghiệp. Hơi tiếc vì dự án không được thực hiện nhưng Tuấn bảo: "Tuy mới là ý tưởng nhưng em đã giúp được hai người ở Hải Phòng thể hiện tình cảm với người thân đấy".
Tháng 6/2009, Tuấn nhận được đề nghị lên Hà Nội làm ở phòng dự án một công ty truyền thông. Thấy đây là cơ hội cho mình cọ xát về mặt thực tế và tìm hiểu sâu hơn về tư vấn truyền thông, Tuấn nhận lời. Rồi khi làm việc ở Hà Nội, Tuấn nhận thấy ở Hải Phòng còn nhiều khoảng trống cho thị trường truyền thông và marketing.
Thế là chàng trai này lại tìm cơ hội về Hải Phòng lập nghiệp và trở thành đồng sáng lập công ty TNHH B.A. “Em xếp ước mơ của mình lại rồi, để làm những việc khác tương tự nhưng có ý nghĩa thực tiễn hơn”, Tuấn chia sẻ.
Đỗ Bích Hường - cô chủ chuỗi cửa hàng bao cao su có tên "Shop người lớn".
Còn Đỗ Bích Hường, cô chủ cửa hàng "Shop người lớn" chuyên bán bao cao su, sau khoảng nửa năm kinh doanh giờ chỉ đóng vai trò xây dựng hình ảnh và phụ trách truyền thông. Chuỗi cửa hàng của cô đã được bàn giao cho người anh trai quản lý và phát triển thành Công ty 3X chuyên kinh doanh các sản phẩm dành cho người lớn.
Trải qua giai đoạn khó khăn và những định kiến ban đầu, Hường giờ đã chín chắn hơn nhiều. Cô chủ nhỏ thế hệ 8X này bộc bạch: "Điều quan trọng nhất đối với những người trẻ là biết vượt qua mặc cảm và dám nghĩ và dám làm".
Ông chủ dịch vụ "Cho thuê người yêu" - Nguyễn Xuân Thiện.
Ngoài Đỗ Bích Hường, ông chủ Công ty Vinamost - Nguyễn Xuân Thiện cũng khá thành công với dịch vụ "Cho thuê người yêu". Sau một năm hoạt động, Thiện đã gặt hái được 700 hợp đồng với doanh thu trên 1 tỷ đồng. Chàng trai 8X này vừa khai trương thêm dịch vụ "Tìm vợ cho doanh nhân". Ngoài ra, Thiện cũng ấp ủ ước mơ mở một chuỗi các quán cafe @. Đây là nơi mà các bạn trẻ, những người cô đơn có thể đến để gặp gỡ, giao lưu, kết bạn và có thể tìm cho mình một nửa còn lại...
Theo: VnExpress.net
Hồng Anh