Mỗi ngày có vô số tai nạn giao thông xảy ra trên đường phố bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như chạy quá tốc độ, chuyển làn đường không có tín hiệu, không tuân thủ luật giao thông,… Nếu bạn là một trong những người không may mắn này, bạn có biết nên làm gì sau vụ tai nạn không?
Sau đây Volang.vn xin đưa ra một số lời khuyên giúp bạn có thể giảm thiểu tối đa chấn thương, chi phí và sửa chữa phương tiện.
1. Chuẩn bị vật dụng:
Mỗi khi ngồi sau vô lăng, bạn nên mang theo điện thoại di động có khả năng chụp hình, bút viết, giấy ghi và thông tin về dị ứng y tế hoặc những trường hợp cần sự chú ý đặc biệt nếu có thương tích xảy ra. Bạn nên giữ một danh sách các số liên lạc của các cơ quan chính quyền. Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn những vật dụng sau trong cốp xe như đèn pin, sách hướng dẫn sơ cứu, biển tam giác phản quang cảnh báo hoặc đèn báo hiệu.
.
2. An toàn là trên hết:
.
Nếu tai nạn xảy ra không có thương tích gì nghiêm trọng, bạn nên di chuyển xe vào bên lề đường nhằm giải toả ách tắc giao thông. Để xe đậu ngay giữa đường hoặc tại những giao lộ đông đúc có thể dẫn đến tai nạn thêm cho người khác. Nếu không thể di chuyển chiếc xe, tài xế và hành khách nên ngồi yên trên xe với dây an toàn buộc chặc cho tới khi cứu hộ đến. Lời khuyên là bạn đừng ra khỏi xe và đứng loay hoay giữa đường sau sự cố, vì nguy cơ cao là sẽ xảy ra vụ tai nạn kế tiếp. Đồng thời nên bật đèn tín hiệu cảnh báo nguy hiểm, đặt biển cảnh báo đề xe khác tránh.
3. Thu thập thông tin:
Sau tai nạn, nên trao đổi để biết những thông tin sau như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, công ty bảo hiểm, số điện thoại cơ quan chính quyền, số giấy phép lái xe và biển số xe va quyệt. Nếu tên tài xế khác với tên của người được bảo hiểm, hãy tìm hiểu mối quan hệ và ghi chú lại thông tin về tên tuổi, địa chỉ của mỗi cá nhân. Ngoài ra bạn nên mô tả bằng văn bản hiện trạng của mỗi chiếc xe, bao gồm năm sản xuất, nhãn hiệu, kiểu dáng, màu sắc và địa điểm chính xác và nguyên nhân xảy ra tai nạn. Hãy bình tĩnh, đừng vội vàng nhận lỗi nếu bạn nghĩ tai nạn là do lỗi của bạn, hãy để hạ hồi phân giải, đồng thời thực hiện các bước sau:
- Kiểm tra xem có ai bị thương?
- Nếu có thương tổn về người, ngay lập tức tìm trợ giúp y tế, bạn có thể gọi số cấp cứu 115. Không di chuyển xe trừ khi cần thiết để cứu họặc mang người bị thương ra.
- Gọi ngay cho cảnh sát giao thông tại địa phương và thực hiện theo chỉ dẫn của cảnh sát giao thông, lấy bản sao Biên bản Tai nạn Giao thông từ cảnh sát.
- Bạn nên chụp lại toàn bộ hiện trường vụ tai nạn làm căn cứ pháp lý
- Nếu có nhân chứng tại hiện trường, hãy cố gắng xin thông tin liên hệ.
- Trao đổi và lấy thông tin với bên đâm va /bên thứ ba:
o Biển số xe
o Loại xe/ hiệu xe/ màu xe
o Tên/ địa chỉ / số điện thoại liên lạc/ số CMND của tài xế
o Tên công ty bảo hiểm của xe đâm va
o Mức độ thiệt hại
5. Va quẹt nhỏ:
Với những vụ tai nạn gây thiệt hại vật chất không đáng kể và không có tử vong hay chấn thương nghiêm trọng, hãy lái xe ra khỏi luồng giao thông. Việc này giúp giảm nguy cơ xảy ra các vụ va chạm kế tiếp và tránh gây ách tắc giao thông. Hãy chụp vài bức ảnh bằng điện thoại nếu bạn muốn lưu bằng chứng. Nếu bạn đã gọi cảnh sát tới giải quyết, trong lúc chờ đợi, hãy trao đổi thông tin với các lái xe khác có liên quan. Hãy lưu thông tin liên lạc với những người sẵn sàng làm chứng cho sự việc.
6. Tai nạn nghiêm trọng:
Sau các vụ tai nạn nghiêm trọng, đừng nhặt bất cứ mảnh vụn nào của xe hay vật dụng cá nhân văng ra đường, vì khi dựng lại hiện trường, cảnh sát thường dựa trên những chứng cứ có trên hiện trường vụ tai nạn hơn là những lời kể. Nếu có người bị chấn thương nặng sau tai nạn, hãy giữ nguyên hiện trường cho tới khi cảnh sát và các đơn vị chức năng khác có mặt.
Hãy bật đèn nháy khẩn cấp và đèn pha của ô tô để các lái xe khác thấy xe bạn rõ hơn. Nếu bạn không bị thương nặng và trên xe sẵn có biển báo tình trạng khẩn cấp (biển tam giác phản quang), hãy dựng biển này lên để báo hiệu cho các tài xế biết.
Hãy tiến hành sơ cứu cho những ai bị thương (kể cả bản thân). Trừ trường hợp cháy xe, hãy để nguyên người bị thương trong xe trong lúc chờ đợi, vì bạn không biết liệu có nội thương không, và nếu di chuyển không đúng cách trong trường hợp này sẽ gây nguy hiểm tính mạng.
7. Các điều khoản bảo hiểm:
Quy trình xử lý bảo hiểm sẽ dễ dàng hơn nếu bạn biết chi tiết những gì bạn được bảo hiểm. Đừng chờ đợi cho tới khi nào tai nạn xảy ra mới đi tìm hiểu và nhận ra rằng các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm không thanh toán cho chi phí thuê xe kéo hoặc chi phí thuê xe sử dụng thay thế.
Vấn đề cuối cùng trong xử lý một vụ tai nạn giao thông thường là ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những thiệt hại. Nếu chỉ là một vụ va quyệt nhẹ, bạn và tài xế kia có thể tự xử với nhau mà không cần sự can thiệp của công an hoặc cơ quan bảo hiểm. Tuy nhiên bạn nên cẩn thận thu thập lại đủ bằng chứng hiện trường nhằm tránh những rắc rối bồi thường sau này.
Tai nạn xe hơi có thể liên quan tới nhiều người và nhiều vấn đề rắc rối phát sinh, cả về tinh thần lẫn vật chất. Do đó bạn nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và bình tĩnh xử lý tình huống nhằm tránh những rắc rối về sau.
Tổng hợp