Tái cấu trúc sở hữu doanh nghiệp là sự phân định các hình thái cấu trúc của doanh nghiệp trên cơ sở cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp.
Tôi tạm phân định cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp ra thành các hình thức cơ bản như sau:
Hình thức cấu trúc sở hữu toàn diện 100% vốn chủ sở hữu: Các đơn vị được hình thành theo hình thái sở hữu này phụ thuộc hoàn toàn vào công ty mẹ, tuân thủ hoàn toàn các quyết định của công ty mẹ mà không được phản kháng. Các phòng ban chức năng của các đơn vị trực thuộc trong hình thái sở hữu này thực chất là “cánh tay nối dài” của các phòng ban công ty mẹ.
Hình thức cấu trúc sở hữu toàn diện có phân định: Cấp độ quản lý giảm dần đối với hình thái sở hữu toàn diện có phân định. Về nguyên tắc, trong hình thái sở hữu này, công ty con cũng vẫn phải tuân thủ hoàn toàn các quyết định của công ty mẹ, tuy nhiên cách thức quản lý đối với công ty con là thông qua người đại diện vốn chủ sở hữu của công ty mẹ. Do đó, để thi hành các quyết định của công ty mẹ tại công ty con, phải thông qua quyết định của Chủ tịch công ty hoặc Hội đồng thành viên của công ty con. Khác với quan hệ mật thiết trong hình thái sở hữu đầu tiên, hình thái sở hữu này đã bắt đầu có sự phân cấp quản lý giữa công ty mẹ với công ty con.
Hình thức sở hữu liên kết vốn có hình thành pháp nhân: Đối với hình thái sở hữu liên kết có hình thành pháp nhân, mức độ quản lý và tầm ảnh hưởng của công ty mẹ đối với công ty con còn phụ thuộc vào lượng vốn (cổ phần) chi phối của
công ty mẹ tại công ty con. Tỷ lệ vốn sở hữu của công ty mẹ càng cao thì việc áp đặt các quyết định của công ty mẹ diễn ra càng dễ dàng và ngược lại. Cũng giống như hình thái sở hữu thứ hai, công ty mẹ chỉ có thể thông qua người đại diện vốn góp để thực thi quyết định của mình tại công ty con. Mức độ phân cấp quản lý giữa công ty mẹ và công ty con đã rõ ràng hơn, và công ty con không còn hoàn toàn lệ thuộc vào công ty mẹ như hai hình thái sở hữu nêu trên nữa.
Hình thức sở hữu liên kết không hình thành pháp nhân: Chỉ đơn thuần là một dự án trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các bên. Do đặc tính ổn định không cao cũng như khoảng thời gian tồn tại nhất định của hình thái sở hữu này, do đó mức độ quản lý của công ty mẹ đối với hình thái này chỉ dựa trên thỏa thuận của các bên về tỷ lệ hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận cũng như trách nhiệm quản lý phụ trách của dự án.
Hình thức sở hữu không liên kết: Hình thái này rất hiếm gặp trong thực tế. Đây là hình thức các nhà đầu tư (bao gồm cả công ty mẹ đã đề cập ở trên) thực hiện các hạng mục trong cùng một dự án và thực hiện phân chia lợi nhuận theo phần. Các bên tự chịu trách nhiệm theo phần góp vốn của mình và hưởng lợi trong phạm vi số vốn đã góp. Mối quan hệ giữa các hình thức sở hữu và quản trị: là yếu tố đầu tiên, mang tính định hướng trong quá trình quản lý và hoạt động của doanh nghiệp.
Hoạch định hình thức quản lý
Mỗi hình thái sở hữu nêu trên sẽ có tương ứng các hình thức quản trị riêng. Để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, điều cốt yếu nhất là phải xác định được cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp, từ đó mới hoạch định được hệ thống quản lý phù hợp với từng hình thái sở hữu nhất định.
Bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải chịu sự tác động của
cơ cấu sở hữu trong hệ thống quản trị doanh nghiệp đến hoạt động quản lý điều hành; kiểm soát tài chính; quản trị nhân lực và hệ thống sản xuất kinh doanh. Có thể dễ dàng nhận thấy sự chuyển hoá giữa các hình thái cấu trúc sở hữu trong từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp vừa và nhỏ thành lập một trung tâm trực thuộc, phụ thuộc hoàn toàn vào công ty mẹ, hạch toán thu chi hoàn toàn theo tài khoản và mã số thuế của công ty mẹ. Sau một thời gian hoạt động, công ty phát triển lớn hơn, đồng thời thị trường các dịch vụ tiềm năng của Trung tâm càng ngày càng mở rộng đòi hỏi có con dấu và tài khoản riêng để thuận lợi cho các hoạt động giao kết hợp đồng cũng như những hoạt động khác của trung tâm. Trong trường hợp này, ta có thể tách riêng trung tâm hoạt động dưới hình thức là chi nhánh hạch toán độc lập với công ty mẹ, có mã số thuế và con dấu riêng.
Ngược lại, đối với các Tổng công ty, Tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực sở hữu 100% vốn tại các công ty con, trong thời điểm thị trường đi xuống như hiện nay, các công ty con làm ăn thua lỗ, cần thiết phải thu hẹp phạm vi kinh doanh và trọng tâm theo chiều sâu, do đó có thể tiến hành thủ tục giải thể, phá sản công ty con, chuyển từ hình thức sở hữu toàn diện có phân định sang hình thức sở hữu toàn diện không phân định.
TRUNG TÂM ĐÀO TẠO PHÁP LUẬT
Phòng 1504 Tháp A, Hà Thành Plaza, 102 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội
Mobile: 098 367 6668 Phone: 043 724 6666 Fax: 043 538 0666